Hoạt động với 2 hệ thống trên là “vệ sĩ” SEAD – một “đồng đội” tác chiến cùng với F-16. Trong môi trường phòng không dày đặc, F-16 thường có một người bạn đồng hành cực kỳ quan trọng là máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng như EA-18G Growler. Nhiệm vụ của Growler là Áp chế phòng không địch (SEAD). Nó có thể làm mù và tê liệt toàn bộ hệ thống radar của đối phương từ khoảng cách an toàn, tạo ra một “hành lang im lặng” cho các máy bay tấn công như F-16 hoạt động.
Vì vậy, một khẩu đội tên lửa đất đối không (SAM) không chỉ đối đầu với một chiếc F-16 mà đang phải đối đầu với F-16 trong khi vừa bị EA-18G Growler gây nhiễu, vừa có thể bị tên lửa chống radar HARM nhắm bắn. Đồng thời trong suốt quá trình, chiếc F-16 đó đang nhận dữ liệu từ một chiếc AWACS đang bay ngoài tầm với của họ. Do đó, đây là một cuộc chiến giữa các nền tảng, các mạng lưới tác chiến với nhau để “hạ F-16”.
Vũ khí nào để chạm tới F-16?
Để đối phó với một hệ thống phức tạp như F-16, bên phòng thủ cũng cần một bộ công cụ tác chiến đa dạng, từ những “khẩu súng bắn tỉa” tầm xa đến những “cạm bẫy” bất đối xứng, bao gồm nhiều cấp độ, nhiều lớp đánh chặn.
Phòng thủ cấp cao: Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS)
Đây là những hệ thống phòng không chiến lược, xương sống của một quốc gia, được thiết kế để tạo ra các “bong bóng” chống tiếp cận (A2/AD). Nó có thê là một hệ thống tầm xa với S-400, S-300, Patriot PAC-3 hoặc hệ thống tầm trung như Buk-M3, SAMP/T.
Đối với các hệ thống tầm xa (S-400, S-300, Patriot PAC-3). Với vai trò là “người gác cổng” tầm xa. S-400 của Nga có tầm bắn lý thuyết lên tới 400 km, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao như AWACS, máy bay tiếp dầu và cả tiêm kích từ khoảng cách rất xa. Patriot PAC-3 MSE của Mỹ cũng là một ứng cử viên nổi bật với công nghệ “đánh trúng để diệt” (hit-to-kill), sử dụng động năng va chạm trực tiếp thay vì đầu đạn nổ mảnh, cực kỳ hiệu quả chống lại tên lửa đạn đạo và máy bay.
Tiếp theo là đến lớp các hệ thống tầm trung như Buk-M3, SAMP/T. Đây là lớp phòng thủ thứ hai, có tính cơ động cao để bảo vệ các khu vực trọng yếu hoặc đi theo đội hình mặt đất. Buk-M3 của Nga có thể sẽ là một ứng cử viên với khả năng giao chiến đồng thời với 36 mục tiêu ở cự ly 70 km và sử dụng tên lửa “bắn và quên” dẫn đường bằng radar chủ động. Ngoài ra cũng có thể tận dụng khả năng cơ đội ưu việt của hệ thống SAMP/T của EU, dùng 30 tên lửa 30 nhằm tìm cách đánh bại những mục tiêu đang thực hiện những cú ngoặt gấp.
Cấp trung: Phòng thủ Điểm và Tầm ngắn (SHORAD)
Nhiệm vụ của các hệ thống này là bảo vệ các tài sản giá trị cao (như khẩu đội S-400, sở chỉ huy) khỏi các đòn tấn công chính xác như tên lửa hành trình, bom thông minh và máy bay bay thấp.
Hệ thống này có thể sử dụng SAM Cơ động như Pantsir-S1, Tor-M2. Vè Pantsir-S1, đây là một hệ thống “lai”, kết hợp cả tên lửa và pháo 30mm, tạo ra một lưới lửa phòng thủ dày đặc ở cự ly gần. Còn Tor-M2 nổi tiếng với xác suất tiêu diệt rất cao đối với các mục tiêu nhỏ, nhanh như UAV và đạn dẫn đường, thậm chí có thể bắn khi đang di chuyển.
Ngoài ra cũng có giải pháp pháo phòng không hiện đại (AAA). Dù bị coi là lỗi thời, pháo phòng không hiện đại vẫn rất nguy hiểm. Các hệ thống như ZSU-23-4 “Shilka” được nâng cấp với radar và hệ thống quang học mới. Đặc biệt, các loại đạn lập trình AHEAD có thể nổ ở một điểm định trước, tung ra một đám mây mảnh vụn vonfram để xé toạc các mục tiêu như máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Cấp cơ bản: Các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS)
Hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) như FIM-92 Stinger của Mỹ hay 9K333 Verba của Nga là vũ khí phòng không cơ bản nhất. Chúng có tầm bắn và độ cao hạn chế, không thể với tới một chiếc F-16 đang bay tuần tra ở độ cao lớn. Tuy nhiên, chúng lại là mối đe dọa chết người trong các giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của máy bay là cất cánh, hạ cánh hoặc khi thực hiện các phi vụ tấn công ở độ cao thấp.
Trong chiến tranh bất đối xứng, giá trị của MANPADS không chỉ nằm ở khả năng bắn hạ. Chỉ riêng mối đe dọa từ sự hiện diện của chúng có thể buộc một phi đội F-16 trị giá hàng tỷ USD phải thay đổi kế hoạch, bay cao hơn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, giảm hiệu quả ném bom, hoặc thậm chí hủy bỏ nhiệm vụ. Đó được gọi là cách đánh “mission kill” (dập tắt nhiệm vụ) tạo nên một chiến thắng chiến thuật với chi phí cực thấp.
Khi công nghệ đối đầu chiến thuật
Thế nhưng việc sở hữu vũ khí chỉ là một nửa câu chuyện. Cách sử dụng chúng mới quyết định kết quả. Lịch sử đã chứng minh rằng chiến thuật thông minh và yếu tố con người có thể tạo ra những bất ngờ lớn nhất. Trong lịch sử tác chiến hơn nửa thế kỷ, người ta đã ghi nhận được 4 trận chiến F-16 từng bị hạ.
Trường hợp kinh điển nhất là tại Serbia, 1999. Vụ bắn hạ một máy bay tàng hình F-117A và một chiếc F-16CG của Mỹ bởi một khẩu đội S-125 (SA-3) cũ kỹ của Serbia năm 1999 là một bài học kinh điển. Về lý thuyết, hệ thống từ những năm 1960 này không có cửa đối đầu với công nghệ hàng đầu của Mỹ. Nhưng chỉ huy khẩu đội, Đại tá Zoltán Dani, đã làm được điều không tưởng bằng cách kết hợp giữa thông tin tình báo và sự sáng tạo kết hợp với chiến thuật “mèo vờn chuột” và nhắm vào đúng điểm yếu của F-16 khi đó.
Lúc bấy giờ, người Serbia có các trinh sát gần căn cứ NATO ở Ý để cung cấp thông tin về thời gian cất cánh của phi đội F-16. Dani đã huấn luyện kíp bắn của mình di chuyển hệ thống SA-3 vốn được coi là “tĩnh” chỉ trong 90 phút, cho phép họ liên tục thay đổi vị trí tác chiến. Đồng thời, họ sử dụng các radar cảnh giới P-18 sóng dài cũ để phát hiện sự hiện diện của máy bay tàng hình mà không bị lộ vị trí. Quan trọng nhất, họ chỉ bật radar điều khiển hỏa lực SNR-125 (thứ dễ bị tên lửa HARM tấn công nhất) trong những khoảng thời gian cực ngắn, chỉ 20 giây mỗi lần, để khóa mục tiêu rồi tắt ngay lập tức, không cho máy bay SEAD của NATO có đủ thời gian phản ứng. Cuối cùng họ đã thành công khóa mục tiêu chiếc F-117 đúng vào khoảnh khắc nó mở khoang bom, một hành động làm tăng đột ngột diện tích phản xạ radar của máy bay.
Trong phi vụ này, chiếc F-16 bị hạ. Tuy nhiên vụ việc này chứng minh một điều cốt lõi: người Serbia không đánh bại công nghệ của F-117 hay F-16. Họ đã đánh bại học thuyết và sự tự mãn của đối phương. Họ khai thác các đường bay lặp đi lặp lại, tận dụng thời tiết xấu khiến máy bay hỗ trợ tác chiến điện tử không thể cất cánh và sử dụng các chiến thuật đột phá. Bài học rút ra là: một kíp bắn được huấn luyện tốt với một hệ thống cũ nhưng hiểu rõ đối phương còn nguy hiểm hơn một kíp trắc thủ non kém với một hệ thống hiện đại.
Mặc dù có thành tích đối không ấn tượng, F-16 không phải là bất khả xâm phạm trước các mối đe dọa từ mặt đất. 3 tình huống khác từng được ghi nhận là trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 với ít nhất hai chiếc F-16 bị bắn hạ bởi các hệ thống SAM cũ của Iraq như SA-2 và SA-3. Tiếp theo là Bosnia năm 1995 với một chiếc F-16 bị bắn hạ bởi một tên lửa SA-6, sử dụng chiến thuật phục kích “pop-up”, bật radar chỉ vài giây trước khi phóng, khiến phi công có rất ít thời gian cảnh báo. và lần gần nhất là trong xung đột Israel-Syria năm 2018, một chiếc F-16I của Israel bị một tên lửa S-200 (SA-5) của Syria bắn hạ. Điều tra sau đó của Israel kết luận rằng phi hành đoàn đã mắc “lỗi chuyên môn” khi không ưu tiên các biện pháp tự vệ dù đã nhận được cảnh báo.
Kết luận: Không Có “Viên Đạn Bạc”
Có thể thấy, việc “hạ một chiếc F-16” là một vấn đề đa chiều. Khả năng sống còn của máy bay là một “hàm số” của các hệ thống tiên tiến của chính nó (radar AESA, bộ EW), sự tích hợp của nó vào một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ (AWACS, Link 16, SEAD) và trình độ của phi công. Ngược lại, sự thành công của một hệ thống phòng không phụ thuộc vào sự tinh vi công nghệ của nó, sự tích hợp của nó vào một IADS có khả năng phục hồi, và quan trọng nhất là sự khéo léo chiến thuật của những người điều khiển nó.
Bởi thé, câu trả lời cho câu hỏi “cần dùng cái gì để hạ một chiếc F-16” phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của bạn là cái gì. Nếu chọn mục tiêu chỉ quấy rối răn đe, tương ứng với xác suất tiêu diệt rất thấp thì cũng phải cần tối thiểu một đội MANPADS hiện đại như Verba hoặc pháo phòng không dẫn đường. Mục tiêu không phải là chắc chắn tiêu diệt, mà là áp đặt buộc F-16 phải hoạt động ở chế độ kém hiệu quả và luôn trong trạng thái bị đe dọa.
Nếu chọn mục đích để phòng thủ một khu vực giá trị nào đó. Tối thiểu cần một khẩu đội các hệ thống SHORAD cơ động, được nối mạng như Tor-M2 hoặc Buk-M3. Chúng có thể bảo vệ hiệu quả một khu vực nhất định trước một cuộc tấn công của F-16 đang tác chiến mà không có sự hỗ trợ SEAD mạnh mẽ (dù thực tế gần như không xảy ra điều này).
Và ở cấp độ cao nhất, để có xác suất hạ F-16 cao nhất trong tình huống tranh chấp không phận một cách có hệ thống, cần tối thiểu là một Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS) đa lớp, cơ động và được nối mạng hoàn chỉnh, bao gồm từ lớp tầm xa S-400 / S-300/ Patriot để đe dọa F-16 từ xa, lớp tầm trung để tạo ra các vùng hỏa lực chồng chéo và lớp phòng thủ điểm để bảo vệ các nguồn lực phòng không khỏi tên lửa HARM và bom thông minh. Đồng thời phải dược trang bị hệ thống cảm biến thụ động và dự phòng để giảm sự lệ thuộc vào radar chủ động, chống lại các cuộc tấn công SEAD. Quan trọng nhất, tất cả phải được vận hành bởi một đội đã được huấn luyện tinh nhuệ với kinh nghiệm tác chiến với F-16 dày dặn.
Rõ ràng, cuộc đối đầu trên không hiện đại không phải là cuộc chiến của những cỗ máy đơn lẻ, mà là cuộc đấu trí giữa các mạng lưới phức tạp. Để bắn hạ một chiếc F-16, bạn không chỉ cần một tên lửa, bạn cần một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm công nghệ, học thuyết và quan trọng nhất là những con người tài trí có khả năng biến những kế hoạch trên giấy thành hiện thực giữa làn đạn sống còn. Bởi lẽ, con rắn hổ mang cực độc này không bao giờ đi săn một mình mà đi săn trong một tổ chức đầy dẫy những công nghệ lẫn hệ thống phụ trợ và mang theo những loại vũ khí chết chóc, hiệu quả đã được chứng minh hơn nửa thế kỷ trên khắp các chiến trường toàn cầu.
Nguồn:Baochinhphu.vn