TP-Link M8550 mang lại tốc độ kết nối mạng nhanh và ổn định (mình dùng SIM Viettel 5G).
Để các bạn có thêm dữ liệu tham khảo, mình đã thử đo tốc độ kết nối mạng của TP-Link M8550, địa điểm test là Cà phê Tinh tế (trong phòng kín) và đo 3 lần liên tục để lấy kết quả trung bình. Mình đo trong hai trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Lắp SIM vào TP-Link M8550 và phát mạng cho Xiaomi 14T Pro và so sánh kết quả với việc lắp SIM vào Xiaomi 14T Pro. Máy không có tác vụ chạy đa nhiệm.
- Trường hợp 2: Lắp SIM vào TP-Link M8550 và phát mạng cho MacBook Pro 14 inch M3 Max. Máy không có tác vụ chạy đa nhiệm.
Kết quả mình thu được như sau:
Trường hợp 1:
- Lắp SIM vào TP-Link M8550 và phát Wi-Fi cho Xiaomi 14T Pro thực hiện chấm Speedtest:
- Lắp SIM vào Xiaomi 14T Pro thực hiện chấm Speedtest:
[/compare]
So sánh tốc độ mạng khi lắp SIM vào TP-Link M8550 để phát mạng cho Xiaomi 14T Pro (bên trái) VS lắp SIM vào Xiaomi 14T Pro (bên phải).
Theo kết quả và trải nghiệm sử dụng thực tế, tốc độ kết nối mạng của hai trường hợp gần tương đồng.
Trường hợp 2:
- Lắp SIM vào TP-Link M8550 và phát Wi-Fi cho MacBook Pro 14 inch M3 Max thực hiện Speedtest:
Kết quả tốc độ mạng khi lắp SIM vào TP-Link để phát mạng cho MacBook Pro 14 inch M3 Max.
Tốc độ download
- Cao nhất: 207 Mbps (~25.87 MB/s).
- Trung bình: 181 Mbps (~22.62 MB/s).
- Thấp nhất: 140 Mbps (~17.5 MB/s).
Tốc độ upload
- Cao nhất: 51.2 Mbps (~6.4 MB/s).
- Trung bình: 45.2 Mbps (~5.65 MB/s).
- Thấp nhất: 26 Mbps (~3.25 MB/s).
Bên cạnh tốc độ kết nối mạng nhanh, mình cũng đánh giá cao chức năng nhận thông báo tin nhắn SMS của TP-Link M8550. Đây là tính năng cần thiết đối với một người thường dùng hết dung lượng 5G trong ngày như mình. Những lúc như vậy thì mình phải gửi tin nhắn đăng ký thêm dung lượng nhưng tiếc là mình không thể nhắn tin trực tiếp trên bộ phát mạng di động TP-Link M8550 mà phải dùng đến phần mềm Tether.
Tether là phần mềm giúp mình kết nối với bộ phát mạng TP-Link và tận dụng nhiều chức năng của thiết bị (trong đó có việc gửi tin nhắn SMS cho tổng đài nhà mạng để đăng ký thêm dung lượng 4G/5G).
Link tải ứng dụng Tether:
Pin dùng thực tế liên tục 8 tiếng nhưng chưa đủ đối với nhu cầu của mình
TP-Link chia sẻ bộ phát mạng di động được trang bị viên pin dung lượng 4.700 mAh và thiết bị có thể hoạt động trong 14 tiếng. Còn theo trải nghiệm thực tế và bài test của mình, TP-Link M8550 hoạt động được khoảng 8 tiếng khi phát mạng cho hai thiết bị gồm MacBook Pro 14 inch và iPhone 12 Pro. Cụ thể như sau:
- 9 giờ 22 phút: 100%.
- 12 giờ 30 phút: 60%.
- 16 giờ: 10%
- 17 giờ: Hết pin.
Với 3 tiếng, TP-Link 8550 tiêu tốn ~40% pin dựa trên bài test của mình.
Như vậy, với con số 8 tiếng như trên thì TP-Link M8550 có thể tạm đáp ứng được gần một ngày làm việc. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ đối với mình bởi buổi tối mình vẫn cần kết nối mạng để tiếp tục làm việc hoặc đi ngoài đường.
Đối với mình, thời lượng sử dụng pin của TP-Link M8550 là chưa đủ cho nhu cầu cá nhân.
Để tiếp tục sử dụng TP-Link M8550 cho buổi tối, mình buộc phải sạc thiết bị và thời gian chờ sạc tương đối lâu, thiết bị đạt được 7 – 8% pin sau khoảng 15 phút sạc với củ sạc CUKTECH + dây sạc UGREEN (con số có thể thay đổi tùy vào từng phụ kiện sạc đến từ các thương hiệu khác nhau).
Nhân tiện nói đến việc sạc pin, TP-Link M8550 còn có chế độ AC Power giúp thiết bị nhận năng lượng trực tiếp từ nguồn điện thay vì viên pin. Để sử dụng chế độ này, chúng ta cần tháo rời pin và sau đó cắm sạc thiết bị. Có lẽ mình sẽ tận dụng chế độ này khi đang làm việc ở một vị trí cố định (cà phê, địa điểm công cộng,…) và chỉ sử dụng pin của thiết bị khi đi đường.
Trong phần cài đặt pin của TP-Link M8550, hệ thống cũng hướng dẫn cho mình cách sử dụng chế độ AC Power.
Nhiệt độ là yếu tố cần để tâm
Bởi vì TP-Link M8550 là bộ phát mạng Wi-Fi di động nên thiết bị đôi lúc tỏa ra lượng nhiệt lớn nếu mình không đặt máy ở nơi thoáng mát. Ví dụ trong một lần đi từ công ty về nhà (khoảng 30 phút), mình để TP-Link M8550 trong một ngăn balo với lớp vải nỉ và kéo khóa. Khi về đến nhà, hệ thống hiển thị cảnh báo về tình trạng quá nhiệt và gợi ý mình một số giải pháp để giảm lượng nhiệt:
- Duy trì kết nối nguồn điện, tháo rời nắp lưng và pin thiết bị.
- Tháo nắp lưng và pin.
- Tắt tính năng kết nối Ethernet
- Di chuyển thiết bị đến một khu vực thoáng mát hơn.
- Giảm thời lượng sử dụng thiết bị.
Đây là phần thông báo quá nhiệt của TP-Link M8550 sau khi mình để thiết bị trong một ngăn balo không đủ thông thoáng.
Khi mình thử đo nhiệt độ thiết bị ở vị trí nóng nhất, con số đạt được là 43.4 độ C.
Thậm chí trong một lần mình để TP-Link M8550 trong túi quần và di chuyển dưới trời nắng gắt, mình có cảm giác thiết bị nóng lên rất nhanh nên mình phải vội tắt trước khi đùi của mình biến thành… đùi heo nướng. Sau lần đó, TP-Link dường như gặp lỗi chức năng phát mạng Wi-Fi nên mình phải khôi phục cài đặt gốc thiết bị (nút reset ở mặt lưng thiết bị sau khi tháo nắp lưng).
Trong những trường hợp TP-Link M8550 gặp lỗi (phần mềm, chức năng,…), mình thường tìm đến nút reset đầu tiên.
Rút kinh nghiệm từ những lần trên, mình ưu tiên đặt TP-Link M8550 ở những vị trí thoáng mát hơn, tránh tiếp xúc với bề mặt vải hoặc ánh nắng trực tiếp. Khi phải di chuyển, mình sẽ để thiết bị ở một ngăn trong túi bao tử nhưng mở phần khóa kéo để tạo sự thông thoáng.
Đây là cách mình để TP-Link M8550 trong túi đeo bao tử.
Nhìn chung, TP-Link M8550 là một bộ phát Wi-Fi 5G di động phù hợp với những bạn cần một thiết bị có tốc độ kết nối mạng nhanh, ổn định. Thiết kế nhỏ gọn, màn hình cảm ứng tiện lợi cùng khả năng nhận tin nhắn SMS là những điểm cộng lớn giúp thiết bị trở nên linh hoạt trong nhiều tình huống sử dụng.
Tuy nhiên, thời lượng pin và nhiệt độ là hai điểm hạn chế của TP-Link M8550. Mặc dù viên pin 4.700 mAh có thể đáp ứng gần một ngày làm việc khoảng 8 tiếng nhưng với những bạn có nhu cầu sử dụng liên tục, di chuyển nhiều thì bạn cần chuẩn bị sẵn viên pin dự phòng hoặc tận dụng chế độ AC Power để tiết kiệm pin cho thiết bị. Đồng thời, việc kiểm soát nhiệt độ là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu suất phát mạng và độ bền của thiết bị (chúng ta cần lưu ý đặt máy ở nơi thoáng mát).
Bạn thấy thế nào về bộ phát mạng Wi-Fi di động 5G TP-Link M8550? Bạn sử dụng thiết bị phát mạng di động từ thương hiệu nào? Mình rất mong được lắng câu chuyện và cảm nghĩ của các bạn ở phần bình luận bên dưới. Cảm ơn các bạn đã quan tâm, theo dõi bài viết và hẹn gặp lại trong thời gian tới. PEACE!
Xem thêm:
Nguồn:Baochinhphu.vn