Tháng 4: Clair Obscur: Expedition 33
Từng có thời điểm những fan nhiệt thành nhất của tác phẩm game đến từ nước Pháp này nói rằng, 30 con người bị Ubisoft ruồng bỏ, không hợp với tập đoàn đã tập họp lại với nhau để tạo ra kiệt tác đúng nghĩa đen này. Có một vấn đề nho nhỏ với tuyên bố ấy. Đồng ý là Expedition 33 là một kiệt tác, một món ăn tinh thần rất hiếm khi chúng ta được trải nghiệm, và chất lượng của nó đúng là thậm chí còn vượt qua cả Assassin’s Creed: Shadows ra mắt cùng thời điểm của Ubisoft. Nhưng 34 người chỉ là số lượng nhân sự của nhà phát triển Sandfall. Vẫn còn hàng trăm người khác đã góp công tạo ra kiệt tác game này.
Thế thì Expedition 33 hay tới mức nào để được gọi là kiệt tác vậy? Thực sự nó là tổng hòa gần như hoàn hảo của ý tưởng mỹ thuật, của âm thanh, của cốt truyện, của đam mê phát triển game, và quan trọng nhất là của sự sáng tạo trong lối chơi.
Không ít người bị cuốn hút bởi phong cách hình ảnh lấy cảm hứng từ thời kỳ Belle Époque đặc trưng của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhưng thứ giữ chân anh em sẽ là lối chơi mà ngay cả những game nhập vai theo lượt phong cách Nhật Bản cũng đang mò mẫm để đổi mới. Đúng, Expedition 33 là một game nhập vai chiến đấu theo lượt.
Nhưng nó không hề mệt mỏi và dài lê thê, rồi chỉ bắt anh em tính toán vật phẩm và kỹ năng. Trái lại, mỗi trận đấu của các thành viên Đoàn thám hiểm số 33 đều kết hợp với khả năng né đòn hoặc đỡ đòn theo thời gian thực. Cách kết hợp gameplay JRPG với hành động ấy độc đáo tới mức, có những người chẳng mấy khi thích thể loại RPG theo lượt vẫn bị cuốn hút bởi Expedition 33.
Tháng 5: Doom: The Dark Ages
Anh em có lẽ đã xem đoạn trailer giới thiệu The Dark Ages, với sự hiện diện của Doom Slayer khoác áo choàng ngầu đến tuyệt đối. Nhưng hãy nhìn vào tay trái của nhân vật. Chiếc khiên trên tay nhân vật chính là thứ khác biệt nhất. Và theo quan điểm của mình, những gì anh em có thể làm với chiếc khiên của phần mới tạo ra tới 70% sức hấp dẫn của The Dark Ages.
Quy trình dẹp quái của anh em trong The Dark Ages sẽ như thế này. Đầu tiên là ném khiên dẹp hết đám quái lâu nhâu trước. Rồi khoanh vùng từng con quái vật cỡ lớn, máu trâu và nguy hiểm, rồi phản đòn và xả đạn. Đồng ý là thứ âm nhạc ma quái kết hợp cả guitar với synth của Mick Gordon không còn, nhưng cái chất metal của soundtrack trong phần game mới đương nhiên vẫn rất đã tai, vẫn rất hợp với từng trận chiến. Nó chỉ không lạ thôi, chứ không phải là không hay.
Doom: The Dark Ages vẫn là một tác phẩm xuất sắc, đủ khiến anh em ngồi im trên ghế từ đầu tới cuối trong toàn bộ mục chơi đơn. Mức độ giải trí, và những gì The Dark Ages mang lại có lẽ vẫn thừa sức đưa nó vào danh sách 10 trò chơi xuất sắc nhất trong các giải thưởng cuối năm nay. Nhưng để giành giải, thì có lẽ giống hệt như Doom năm 2016 và Doom Eternal năm 2020, thực sự rất khó cạnh tranh giải Game of the Year. Nhưng nếu ở hạng mục game bắn súng hay nhất năm 2025, thì The Dark Ages là ứng cử viên tiềm năng nhất.
Tháng 5: Elden Ring Nightreign
Mỗi lượt lập party chiến đấu trong Nightreign, lấy cảm hứng và bối cảnh từ kiệt tác Elden Ring của FromSoftware thực tế tương đối ngắn. Thế giới Limveld của Nightreign luôn luôn thay đổi, và luôn có những cơ hội để ba người chơi trong cùng một party hợp tác với nhau trong từng trận chiến, từng quyết định và từng kết thúc.
Thứ kỳ quặc ở đây, là màn hình “game over” trong Nightreign thậm chí còn tạo ra cảm giác nghiêm trọng và đáng sợ hơn cả Elden Ring. Kết hợp điều đó với yêu cầu kỹ năng vốn có của một tác phẩm Soulslike, cảm giác chơi Nightreign vẫn cuốn hút, nhưng theo cái cách đơn giản hóa để mỗi lần co-op hấp dẫn và tập trung nhiều hơn cho kỹ năng phản xạ và chiến đấu của mỗi người.
Điều khiến không ít người từ Elden Ring chuyển sang chơi Nightreign bất ngờ, đó là những con trùm trong Nightreign rõ ràng đã được thiết kế dựa trên cảm hứng từ những con trùm trong nhiều game MMORPG, với những đòn đánh AOE rất mạnh, đòi hỏi sự hợp tác của cả ba người chơi.
Tháng 6: The Alters
Cách kết hợp phong cách game sinh tồn, mò mẫm và kiểm soát nguồn tài nguyên khan hiếm với những quyết định cực kỳ khó khăn như trong This War of Mine hay Frostpunk vẫn hiện diện. Nhưng trái ngược với hai tác phẩm kinh điển trước đó của người Ba Lan, The Alters thực sự là một tác phẩm mang dáng dấp của một kiệt tác khoa học viễn tưởng, không chỉ chắp vá những ý tưởng đã có trong mấy chục năm giải trí tương tác tồn tại và phát triển. Sự kết hợp cực kỳ cân bằng của mọi khía cạnh, từ gameplay đến cốt truyện tạo ra một món ăn rất lạ.
The Alters không hề giống bất kỳ game sinh tồn nào trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Nó là một tác phẩm tâm lý nhưng không hề có chút kinh dị nào. Nó khiến người chơi căng thẳng và cuống quít đi kiếm tìm tài nguyên, xây dựng những thứ mới, bị cuốn vào cái guồng sinh tồn trứ danh mà 11 Bit Studios đã quá nổi tiếng, nhưng cùng lúc lại không khiến sự chú ý của người chơi rời khỏi cốt truyện của trò chơi.
Trung tâm của game là ý tưởng vô cùng kỳ quặc. Đó là khả năng thay đổi ký ức để tạo ra một con người mới, với những kỹ năng mới, phù hợp với mọi khía cạnh ở căn cứ để giúp cả nhóm sinh tồn, rốt cuộc cũng là một cách vô cùng độc đáo để chúng ta có được một đội ngũ những nhân vật NPC giúp ích, chia việc và làm hộ Jan Dolski “bản gốc” những gì anh không làm được. Chẳng hạn như phòng bệnh thì phải có bác sỹ, hay phòng nghiên cứu thì phải có khoa học gia…
Game chia đều giữa hai khoảnh khắc. Thứ nhất là cảm giác mệt mỏi ngột ngạt vì phải quản lý mọi thứ, từ tài nguyên đến con người trong những căn phòng và hành lang chật hẹp. Thứ hai là cảm giác cô độc một mình trên hành tinh kỳ quặc. Không hề thiếu những trò chơi áp dụng hai trải nghiệm này. Nhưng The Alters mới là cái tên đầu tiên lồng ghép và kết hợp cả hai khía cạnh một cách cuốn hút, không gây ra cảm giác lạc lõng, vừa gắn kết với cốt truyện và trải nghiệm.
Tháng 6: Death Stranding 2: On The Beach
Ở năm 2025, cả thế giới đã đi hết từ mọi cung bậc cảm xúc, bắt đầu với việc khó chịu, chê bai, rồi hoảng sợ vì Death Stranding vô tình dự đoán chính cái quá trình cả thế giới phải giãn cách vì COVID-19. Những người mê game bắt đầu nhận ra, Death Stranding là một tác phẩm vừa chơi vừa ngẫm, chơi một cách chậm rãi, đếm và để ý từng bước chân chứ không chỉ đơn thuần là những “đơn hàng” từ nơi này tới nơi khác, rồi ngồi xem cắt cảnh tới lúc hết game.
Nếu như 6 năm về trước, phần 1 đã khiến không ít người cảm thấy ấn tượng với đồ họa mà bộ công cụ Decima Engine do những người Hà Lan tại Guerrilla Games tạo ra, thì ở phần 2, sức mạnh của cỗ máy PS5, hay mới hơn là PS5 Pro được tận dụng ở mức tối đa, đẩy chi tiết thế giới mở lên một tầm hoàn toàn mới, thứ mà ngay cả Director’s Cut của Death Stranding trên PS5 hồi năm 2021 cũng chưa làm được.
Và Decima Engine được dùng để thiết kế không chỉ một, mà tới hai thế giới mở cho anh em chiêm ngưỡng và dạo chơi. Thứ nhất là khu vực Mexico, và thứ hai là nước Úc giả tưởng hậu thảm họa.
Quan trọng nhất trong số những nâng cấp về mặt lối chơi, chính là hệ thống hành động. Anh em có thể đọc review của vài trang và kênh lớn trên mạng internet, ở đó họ nói rằng Death Stranding 2 giống Metal Gear Solid hơn bao giờ hết. Họ nói cũng không sai đâu. Hệ thống vũ khí, dù không được nâng cấp mạnh, nhưng lại được điều chỉnh để từng trận chiến hay từng nhiệm vụ đòi hỏi Sam phải chiến đấu trở nên cuốn hút và hấp dẫn hơn.
Tháng 7: Donkey Kong Bananza
Vẫn giữ đúng phong độ và đẳng cấp, những nhà phát triển tại Nintendo EPD đã tạo ra được một phiên bản Donkey Kong mới khiến cho mọi lứa tuổi giới tính già trẻ lớn bé dán mắt vào màn hình chiếc máy Nintendo Switch 2.
Bề ngoài, nó có vẻ giống một game platform đồ họa 3D theo phong cách Mario 64, với những thế giới theo từng chủ đề, được trang trí bằng những quả chuối khổng lồ để Donkey Kong tìm ra và thu thập, nhưng nắm đấm của Donkey Kong lại hoàn toàn không quan tâm đến màn chơi trông như thế nào. Mọi địa hình đều có thể bị phá hủy. Nhấn nút trên tay cầm, và đôi tay mạnh mẽ của chú khỉ đột đeo cà vạt sẽ đập những đường hầm xuyên qua đồi núi, đập những bãi cỏ tươi tốt thành những hố bùn và xé toạc những tảng đá để vung như búa tạ.
Rõ ràng đây là một thế giới kỳ lạ, nhưng làm một game platform giải đố và di chuyển như thế nào khi nhân vật chính thích đập gì cũng được? Ban đầu, mọi thứ diễn ra cũng có phần dễ dàng, đánh lừa người chơi rằng game thực sự không có chiều sâu về những câu đố trong môi trường. Nhưng không. Ngay sau đó, anh em sẽ phát hiện ra, những đồng bằng nhấp nhô và những đầm phá tươi tốt nhường chỗ cho những khung cảnh nguy hiểm hơn, nơi mặt đất vững chắc bảo vệ anh em khỏi đầm lầy độc, hồ băng và dung nham. Bỗng nhiên, không phải lúc nào đập phá cũng là câu trả lởi cho mọi vấn đề. Anh em sẽ phải thận trọng hơn, đặc biệt là trong những màn đấu trùm.
Nguồn:Baochinhphu.vn