Hơn nữa đối với những ai là người Công giáo thì càng biết rõ là Linh mục không phải là người bình thường. Việc mạo danh một linh mục không chỉ là mạo danh một con người, mà còn là một sự lạm dụng và xúc phạm đến chính chức thánh thiêng liêng, đến vai trò đại diện cho Chúa Kitô của ngài. Đây là một hành vi lừa dối mang tính chất thiêng liêng, gây tổn thương cho Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa. Nó gieo rắc sự nghi ngờ, làm xói mòn lòng tin của người có đạo vào các linh mục. Đồng thời, nó lại khiến những bạn khác tôn giáo có thể hiểu sai hoàn toàn về Công giáo bởi có thể họ tin nó là thật.
Mình thử lướt một vòng các kênh đó thì đặc điểm nhận diện đều là các video chỉ có giọng nói (mặc dù giả rất giống với giọng gốc) mà không có hình ảnh của linh mục đang giảng (thường là trong nhà thờ). Một đặc điểm khác chính là các kênh này thường hay sử dụng cách tách nền của linh mục đang giảng, scale nhỏ lại và đặt trong một bức ảnh chụp trong nhà thờ rất lung linh, sau đó cho phát ra giọng nói bài giảng không hề khớp với cử động miệng. Do cần phải để ý kỹ mới nhận ra nên rất dễ bỏ qua yếu tố này. Và mình khẳng định rằng đây là 2 dấu hiệu rõ ràng nhất của video giả.
Đối với những người có đạo, mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất là sự tỉnh táo và tinh thần phê phán. Hãy trở thành người dùng mạng xã hội thông thái. Đừng vội vàng tin, thích và chia sẻ những video, clip âm thanh, dù nó đến từ một giọng nói quen thuộc. Hãy luôn kiểm chứng thông tin qua các kênh truyền thông chính thức, đã được xác thực của giáo phận, giáo xứ hoặc dòng tu. Khi phát hiện các nội dung đáng ngờ, hãy ngay lập tức sử dụng chức năng “Báo cáo” (Report) cho nhà cung cấp nền tảng như YouTube, và đồng thời cảnh báo cho những người xung quanh.
Các linh mục hoặc cơ quan giáo hội cũng cần chủ động hơn. Các giáo phận và dòng tu nên xây dựng và quảng bá mạnh mẽ các kênh truyền thông chính thức của mình (website, kênh YouTube, trang Facebook có dấu xác thực). Khi có kênh chính thức, giáo dân sẽ có một địa chỉ tin cậy để đối chiếu thông tin. Khi phát hiện trường hợp mạo danh, cần có phản ứng nhanh chóng, đưa ra thông báo đính chính công khai và rõ ràng để trấn an dư luận và ngăn chặn tác hại lan rộng. Chính mình qua lời khẳng định của vị Linh mục nói trên cũng biết được các kênh mà mình nghi ngờ trước đây như “Lời hằng sống”, “Lời chân lý”,… đều là những kênh dùng AI để làm video mạo danh. Cần nhiều hơn nữa những tố cáo các kênh này để mọi người cùng tránh xa.
Và về mặt pháp luật, chắc chắn đây đều là những hành vi lạm dụng công nghệ AI nhằm mục đích lừa đảo, vu khống và gây rối trật tự.
Nguồn:Baochinhphu.vn