Khi đó, đội DeepMind tiếp tục cải thiện hệ thống AI mà họ sẽ mang đến IMO, một phiên bản chưa phát hành của mô hình suy luận tiên tiến của Google, có tên Gemini Deep Think, và vẫn đang thực hiện những điều chỉnh những ngày sát trước thời điểm cuộc thi bắt đầu.
Đoàn Google DeepMind tại Olympic Toán học 2025 tổ chức tại Úc. Từ trái qua: Phó giáo sư Junehyuk Jung, tiến sĩ Lương Minh Thắng, tiến sĩ Dawsen Hwang và tiến sĩ Yuri Chervonyi.
Nỗ lực này được dẫn đầu bởi tiến sĩ Lương Minh Thắng, một nhà khoa học nghiên cứu nổi tiếng. Anh là người đã suýt lọt vào đội tuyển Olympic Toán học của Việt Nam khi còn là học sinh trung học. Anh cuối cùng cũng đến IMO 2024, nhưng cùng Google DeepMind. Trước khi trở lại IMO năm nay, các lãnh đạo của DeepMind đã hỏi về khả năng giành huy chương vàng. Anh nói với họ rằng, chỉ nên kỳ vọng huy chương bạc hoặc đồng.
Sau đó, anh đã điều chỉnh kỳ vọng của mình khi mô hình của DeepMind giải quyết hoàn hảo cả ba bài toán vào ngày đầu tiên. Sự đơn giản, “lịch lãm” theo cách gọi của các giám khảo, và khả năng giải thích rõ ràng của những lời giải đó đã làm kinh ngạc các nhà toán học. Ngày hôm sau, ngay khi anh Thắng và đồng nghiệp nhận ra rằng sáng tạo AI của họ đã tạo ra hai lời giải cho hai câu hỏi khác nữa, họ cũng nhận ra rằng điều đó sẽ đủ để giành huy chương vàng.
OpenAI: Không thi nhưng vẫn nói giành huy chương vàng
Để giữ sự tập trung vào học sinh, các đơn vị AI tại IMO đã đồng ý không công bố kết quả giải đề thi IMO 2025 của họ cho đến cuối tháng này. Nhưng ngay khi buổi lễ bế mạc của Olympiad kết thúc, một công ty lên tiếng tuyên bố rằng mô hình AI của họ đã giành được huy chương vàng, nhưng đó lại không phải là DeepMind. Đó là OpenAI.
Công ty này không tham gia sự kiện IMO, nhưng OpenAI đã đưa mô hình suy luận thử nghiệm mới nhất của mình tất cả 6 bài toán của đề thi năm nay, và thuê những người đoạt huy chương trước đây để chấm điểm các chứng minh. Giống như DeepMind, hệ thống của OpenAI cũng giải quyết hoàn hảo 5/6 bài toán, và đạt 35 trên 42 điểm để đáp ứng tiêu chuẩn huy chương vàng.
Sau khi OpenAI khoe chiến thắng trên mạng xã hội, lệnh hoãn công bố lời giải từ AI đã được dỡ bỏ, và DeepMind thông báo cho thế giới về thành công của riêng mình, và câu trả lơi của họ đã được IMO chứng nhận.
Chỉ chừng 1 năm trước, không ai tin rằng AI sẽ giành được huy chương vàng Olympic toán học.
Năm 2021, một nghiên cứu sinh, Alexander Wei đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, yêu cầu anh dự đoán tình trạng của AI giải toán cho tới tháng 7/2025, tức là thời điểm hiện tại. Khi anh nhìn vào các dự báo khác, anh nghĩ rằng chúng quá lạc quan. Hóa ra chúng không đủ lạc quan. Bây giờ anh bỗng trở thành minh chứng sống cho việc chính anh đã sai lầm như thế nào: Wei chính là nhà khoa học nghiên cứu dẫn đầu dự án IMO của OpenAI.
Điều đáng kinh ngạc hơn thực tế là AI giải được bài toán Olympic, là cách AI đưa ra câu trả lời.
Google DeepMind gọi kết quả của mình là một bước tiến lớn, mặc dù không phải vì DeepMind đã thắng HCV thay vì bạc như kỳ vọng ban đầu. Năm ngoái, mô hình cần chuyển đổi các bài toán sang ngôn ngữ lập trình máy tính để đưa ra lời giải. Năm nay, nó hoạt động hoàn toàn bằng “ngôn ngữ tự nhiên” mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. DeepMind cũng vượt qua kỳ thi trong giới hạn thời gian 4 giờ 30 phút của IMO. Năm ngoái, mô hình AI mất vài ngày mới giải xong đề bài.
Câu số 6: Nơi chứng minh con người vẫn còn trên cơ AI
Có một điều chắc chắn, đó là báo giới quốc tế gần như chỉ tập tủng vào khía cạnh AI giành HCV Olympic Toán Quốc tế, khiến những bạn học sinh được coi là những thần đồng phần nào bị lu mờ. Sẽ là công bằng khi chúng ta nhắc tên của các bạn trẻ vẫn còn đang học trung học.
Qiao Zhang là một học sinh 17 tuổi ở Los Angeles, đang trên đường gia nhập MIT, chuyên ngành toán học và khoa học máy tính. Khi còn nhỏ, gia đình cậu đã di cư từ Trung Quốc sang Mỹ sống. Sự nghiệp thi đấu các cuộc thi toán học của cậu bắt đầu khi cậu mới chỉ học lớp 2. Khi ấy, Zhang đã tham gia một cuộc thi có tên là Math Kangaroo.
Ngồi xuống bàn với bút và giấy nháp, Zhang đã dành nhiều thời gian nhất trong kỳ thi cho Câu hỏi số 6. Đó là một bài toán trong lĩnh vực tổ hợp khó đến mức khét tiếng. Đây là một nhánh của toán học, liên quan đến việc đếm, sắp xếp và kết hợp các đối tượng rời rạc, và nó là bài toán khó nhất trong kỳ thi năm nay. Giải pháp đòi hỏi sự sáng tạo, sáng tạo và trực giác mà con người có thể huy động nhưng máy móc thì không.
“Tôi thực sự sẽ cảm thấy hơi sợ, nếu các mô hình AI có thể giải được câu số 6,” Zhang nói.
Bài toán số 6 cũng khiến các mô hình của DeepMind và OpenAI gặp khó, nhưng nó không chỉ gây khó khăn cho AI. Trong số 630 thí sinh, 569 người cũng đã phải nhận điểm 0 cho câu 6. Chỉ có đúng 6người nhận được toàn bộ 7 điểm. Zhang bày tỏ quan điểm tự hào về lời giải chỉ đúng một phần của mình, đã mang về cho cậu 4 điểm, không phải điểm tuyệt đối, nhưng vẫn cứ là nhiều hơn hầu hết mọi thí sinh khác.
Tại IMO năm nay, 72 thí sinh đã giành được huy chương vàng. Nhưng đối với một số người, một tấm huy chương không phải là phần thưởng duy nhất của họ. Zhang nằm trong số những người rời đi với một kỷ niệm vô giá khác: Chiến thắng trước các mô hình AI.
Cuối cùng, 6 thành viên của đội tuyển Mỹ đã giành được 5 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, xếp thứ hai sau Trung Quốc, sau khi đánh bại họ để giành vị trí hạng nhất năm 2024.
Đã từng có một thời điểm, những học sinh tài năng như vậy rồi sẽ trở thành các giáo sư. Hoặc, cũng có thể họ sẽ trở thành tổng thống. Bằng chứng là ông Nicușor Dan, tổng thống Romania vừa được bầu từng là người đoạt huy chương vàng Olympic Toán học với điểm tuyệt đối vào năm 1987 và 1988.
Mặc dù hiện tại vẫn còn rất nhiều người vẫn chọn lĩnh vực học thuật, nhưng càng lúc càng nhiều người khác lại được các công ty giao dịch chứng khoán bằng thuật toán và quỹ đầu tư tuyển dụng, nơi bộ não định lượng của họ càng lúc càng được đánh giá cao. Năm nay, đội Olympic Toán Quốc tế của Mỹ được tài trợ bởi Jane Street, trong khi XTX Markets tài trợ cho toàn bộ sự kiện. Suy cho cùng, họ sẽ sớm cạnh tranh với nhau, và với các công ty công nghệ giàu có nhất, để giành lấy tài năng trí tuệ của họ.
Đến lúc đó, AI có lẽ đánh bại con người ở bộ môn toán học. Nhưng phó giáo sư Junehyuk Jung thì không nghĩ vậy. Cũng là một người từng đoạt huy chương vàng IMO, Jung hiện là giáo sư liên kết tại Đại học Brown và nhà nghiên cứu khách mời tại DeepMind, người đã làm việc trên mô hình giành huy chương vàng của họ. Anh ấy không nghĩ rằng đây là trận chiến cuối cùng của nhân loại, anh nghĩ rằng những vấn đề như Bài toán 6 sẽ khiến AI bối rối trong vòng ít nhất một thập kỷ nữa.
Và anh đã rời khỏi có lẽ là cuộc thi toán học quan trọng nhất trong lịch sử với cảm giác lạc quan về mọi loại trí thông minh. “Có những điều AI sẽ làm rất tốt,” anh nói. “Và vẫn còn những điều mà con người có thể làm tốt hơn.”
Theo WSJ
Nguồn:Baochinhphu.vn