Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng khác cũng mô tả các hệ thống máy tính tương lai theo mô típ này: hiệu ứng đồ hoạ rực rỡ, hàng loạt biểu đồ thuộc đủ loại luôn biến động không ngừng và các hình chiếu 3D trong không gian chẳng những đẹp mắt mà còn có thể tương tác, sửa đổi. Bữa tiệc ánh sáng trên những giao diện đậm chất tương lai đó khiến người xem trầm trồ và ước gì mình có thể xài một chiếc máy tính giống vậy. Tuy nhiên khi nhìn lại những gì chúng ta thường làm hàng ngày như gõ văn bản, gửi email, chat, làm bảng tính hay đơn giản là đọc Tinhte thì rõ ràng có gì đó lấn cấn. Anh em sẽ thấy giao diện kiểu đó có vấn đề lớn: chúng quá nhiều thông tin, quá nhiều biểu đồ và gây mất tập trung.
Các biểu đồ này gây quá tải thông tin và nếu nhìn lâu sẽ rất mỏi mắt, trong khi lại tốn nhiều tài nguyên máy tính để hiển thị chúng. Nếu để ý kỹ, chúng ta không hiểu rõ nhân vật trong phim đang làm công việc cụ thể gì ngoài những cú phẩy tay, nói vài câu và mọi thứ được thực hiện răm rắp, chính xác. Những yếu tố đó không thực tế mà chỉ mang tính điện ảnh để tạo bầu không khí “tương lai”, đồng thời tạo cảm giác rằng họ là thiên tài hoặc rất quyền lực. Các giao diện máy tính hiện nay của Windows 11 và macOS khá đơn giản và ít thông tin nhưng đôi khi còn thấy quá tải thì với những giao diện tương lai này, chúng ta có thể bị chìm ngập trong thông tin trước khi làm được điều gì đó ý nghĩa.
Những giao diện máy tính kiểu này đã có, nhưng vẫn còn một chặng đường dài mới đạt được như trong phim. Thí dụ như hệ điều hành visionOS trên kính Vision Pro của Apple. Giống Tony Stark, người dùng tương tác với Vision Pro bằng cách phẩy tay, đảo mắt hay nói chuyện. Dù khá ngầu nhưng chúng ta sớm nhận ra nó dễ làm chóng mặt, nặng đầu, khó gõ chữ, người cận thị phải đặt kính riêng và mắc. Đó là lý do kính có doanh số thấp và nhiều người còn trả hàng vì không thấy có ích.
Nhưng không có nghĩa là kiểu giao diện tương lai này không cần thiết 100%, những người làm các công việc có tính chuyên môn cao như nghiên cứu khoa học, làm game, lái máy bay, điều hành hoạt động hàng không/không gian hay y tế hẳn sẽ thấy giao diện với hàng loạt biểu đồ động như vậy là có ích. Trong khi với phần lớn tác vụ hàng ngày thì chỉ cần sự đơn giản như hiện nay, nếu càng nhiều thông tin cùng với hiệu ứng đồ hoạ thì lại càng làm những việc đó thiếu hiệu quả. Anh em có cho rằng trong tương lai những giao diện máy tính ngầu như JARVIS là cần cho mọi việc không? Hãy comment ý kiến bên dưới nha.
Nguồn:Baochinhphu.vn